Bóng đè (ma đè) là hiện tượng khá phổ biến và theo thống kê có tới 40% số người cho biết họ đã gặp phải vài lần trong đời. Theo lời kể của những người từng gặp phải, họ chợt tỉnh giấc khi đang ngủ, cảm nhận được thế giới xung quanh nhưng cơ thể không thể nào dịch chuyển được, lúc đó họ cảm thấy như có một thứ gì đó đang đè lên cơ thể của họ. Các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu nhằm lý giải hiện tượng này và theo kết luận mới nhất, đây có thể là tình trạng tê liệt khi đang ngủ kết hợp với ảnh hưởng của nền văn hóa. Theo tiến sĩ Baland Jalal, nhà thần kinh học tại Đại học California, San Diego: "Trạng thái tê liệt khi đang ngủ(Sleep paralysis) có thể là một trải nghiệm hết sức đáng sợ đối với một số người. Việc hiểu biết một cách rõ ràng về căn nguyên của hiện tượng này có thể xóa tan bức màn thần bí xung quanh nó và có tác động lớn đối với những người đã từng trải qua." Các nhà nghiên cứu cho rằng tê liệt khi đang ngủ xảy ra khi 1 người tỉnh giấc trong giai đoạn giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement). Con người trong giai đoạn này thường xuất hiện những giấc mơ, nhưng cơ bắp của họ gần như bị tê liệt. Đây có thể là một thích nghi từ quá trình tiến hóa để giữ cho con người không hành động theo diễn biến của giấc mơ. Tuy nhiên, khá là khó khăn để lý giải tại sao chỉ có một nhóm người cảm thấy đang có "một cái gì đó" đang ở trong phòng ngủ và đè lên người họ. Trạng thái tê liệt khi đang ngủ Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Medical Hypotheses, Jalal và đồng nghiệp của ông là nhà thần kinh học Vilayanur Ramachandran đã lý giải rằng: "Có thể đó là ảo giác phát xuất từ sự nhầm lẫn của não bộ khi vùng não điều khiển toàn bộ hệ thống thần kinh vận động của cơ thể đã bị xáo trộn." Trong não bộ của con người đã lưu giữ sẵn một hình ảnh "khuôn mẫu" của cơ thể họ. Những nghiên cứu trước đây đã xác định rằng hình ảnh này được lưu trữ trong thùy đỉnh trên não. Có thể rằng trong lúc trạng thái tê liệt trong giấc ngủ diễn ra, thùy đỉnh ra lệnh cho cơ thể di chuyển, nhưng sau đó nó không phát hiện ra bất kỳ chuyển động thực tế nào ở các chi. Điều này dẫn tới sự xáo trộn quá trình não bộ nhận thức về hình ảnh của cơ thể(lúc này đang tạm thời tê liệt). Và khi đó, não người sẽ cố gắng tạo ra hình ảnh của chính cơ thể họ. Vô tình hình ảnh đó lại gợi lên ảo giác về một nhân vật thần bí nào đó đang xuất hiện bên cạnh họ. Tiến sĩ Jalal cho biết ý tưởng này là khá hấp dẫn nhưng rất khó khăn để kiểm tra tính xác thực. Để xác định điều gì diễn ra bên trong não trong suốt giấc ngủ, cần phải thu thập đủ bằng chứng thông qua việc khảo sát những người có "hình ảnh cơ thể do não tạo ra" khác nhau. Thí dụ như, nếu khảo sát những người bị khuyết tật, nếu hình ảnh do não họ tạo ra (bóng ma) cũng bị khuyết tật giống như họ, thì có nghĩa là lời lý giải trên là đúng. Tuy nhiên, việc so sánh kết quả của thử nghiệm là việc làm khá khó khăn. Đồng thời, số lượng người đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu khá ít. Ảnh hưởng từ nền văn hóa Bức họa do họa sĩ người Thụy Sĩ Henry Fuseli thực hiện, mô phỏng cảm giác của con người khi bị "bóng đè" Dưới góc độ khác, những người đến từ các nền văn hóa khác nhau thì trải nghiệm của họ khi xảy ra tê liệt trong giấc ngủ có thể sẽ theo đó mà khác nhau. Các nghiên cứu trước đây đã lập luận rằng những hình ảnh mà con người "thấy" được khi bị "bóng đè" có thể hình thành từ nền văn hóa nơi họ sống. Trong nghiên cứu công bố hồi năm 2013 trên tạp chí Văn hóa, y học và tâm thần, tiến sĩ Jalal và cộng sự của ông là Devon Hinton đến từ Đại học Harvard đã thống kê tỷ lệ những người bị tê liệt khi ngủ. Những tình nguyện viên đến từ 2 nền văn hóa hoàn toàn khác nhau: Ai Cập và Đan Mạch. Kết quả, nhóm đã phát hiện ra rằng so với người Đan Mạch, những người Ai Cập bị rơi vào trạng thái tê liệt khi ngủ thường xuyên hơn, kéo dài hơn và cũng gây ra nỗi sợ hãi lớn hơn. Tiến sĩ Jalal nhận định: "Đây là 2 nền văn hóa rất khác nhau; người Ai Cập có truyền thống tín ngưỡng từ lâu đời, trong khi người Đan Mạch lại là một trong những quốc gia vô thần nhất thế giới." Hầu hết những tình nguyện viên Đan Mạch đều tin rằng tình trạng tê liệt khi ngủ gây ra bởi các yếu tố sinh lý, sự cố não bộ hoặc ngủ không đúng cách. Trong khi đó, hầu hết người Ai Cập đều cho rằng nguyên nhân đến từ các thế lực siêu nhiên. Trong một cuộc khảo sát khác, 1 nửa các tình nguyện viên Ai Cập nói rằng trạng thái tê liệt khi họ ngủ là do Jinn (một sinh vật ma quỷ, đầy đe dọa trong thần thoại đạo Hồi) gây ra. Cuối cùng, tiến sĩ Jalal và các đồng nghiệp kết luận rằng niềm tin về thế lực siêu nhiên khiến cho tình trạng tê liệt khi ngủ ở một số người trở nên sợ hãi và kéo dài hơn. Ngược lại, nỗi sợ hãi có sẵn cũng góp phần tạo điều kiện cho trạng thái tê liệt trong giấc ngủ dễ xuất hiện hơn. Ông cho biết: "Nếu bạn có sẵn nỗi sợ hãi, trung tâm xử lý nỗi sợ hãi trong não sẽ dễ kích hoạt hơn khi rơi vào trạng thái tê liệt trong lúc ngủ. Và trong thời gian rơi vào trạng thái này, những ý tưởng từ nền văn hóa mà bạn luôn có sẵn trong đầu sẽ được bổ sung thêm, dầu sẽ được thêm vào lửa và kết quả là nỗi sợ hãi của bạn sẽ đạt cực đại cùng với những hình ảnh, suy nghĩ ma quái." Bằng 2 hướng tiếp cận dưới góc độ sinh lý (trạng thái tê liệt khi ngủ) và văn hóa, các nhà nghiên cứu tin rằng nghiên cứu sẽ giúp con người hiểu biết hơn về hiện tượng "bóng đè", mang nó ra ánh sáng khoa học và giúp con người chống lại được nỗi sợ hãi khi gặp phải trong tương lai. Tham khảo MH, Ncbi, LS, Ảnh Wiki
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét